Để con tự đi học là cách người Nhật Bản rèn cho trẻ nhỏ khả năng tự giải quyết vấn đề và tinh thần độc lập.
Văn hóa Nhật Bản coi trọng sự độc lập và tự lực cánh sinh của mỗi cá nhân nên các gia đình khuyến khích con tự đi học hàng ngày, theo Japan Today.
Trong bộ phim tài liệu ngắn "Japan's Independent Kids" (Tạm dịch: Những đứa trẻ tự lập ở Nhật Bản) sản xuất năm 2015, kênh truyền hình Australia SBS 2 cho khán giả thấy sự khác biệt giữa cách trẻ em Nhật Bản và Australia đến trường. Video dài khoảng 8 phút đồng thời chỉ ra những yếu tố xã hội ảnh hưởng đến quá trình hình thành tinh thần "tự lực cánh sinh" của người Nhật.
Bộ phim theo chân cô bé Noe Ando đi đến trường bằng tàu điện. Do nhà Ando cách trường khá xa, cô bé 7 tuổi không những đi bộ mà còn phải đổi tàu tại hai bến, trong đó có bến JR Shinjuku được mệnh danh là ga tàu điện ngầm đông đúc nhất thế giới. Luồn lách tại bến JR Shinjuku trong giờ cao điểm với người lớn cũng là một việc khó khăn. Với một đứa trẻ nhỏ như Noe, đây thực sự là một thử thách.
"Chúng tôi không ở bên cạnh nên con bé sẽ phải học cách tự giải quyết vấn đề. Nếu bị lạc hoặc bắt nhầm tàu, cháu sẽ phải tự tìm ra cách", mẹ của bé Noe, chị Satoko Ando, cho biết.
Đoàn làm phim sau đó phỏng vấn Jake Adelstein, một nhà báo điều tra người Mỹ đã sống và làm việc ở Nhật Bản nhiều năm và chuyên viết về các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Như nhiều người nước ngoài khác, ban đầu anh Adelstein sốc khi thấy trẻ em Nhật đi học một mình. Nhưng sau một thời gian, anh nhận thấy đây là một phần trong văn hóa của xứ sở mặt trời mọc. Nếu các phụ huynh phải đưa con tới trường và đón về hàng ngày, Nhật Bản sẽ phải tổ chức lại cách vận hành của xã hội và cả lực lượng lao động, nhà báo Adelstein nhận định.
"Bên cạnh đó, xã hội Nhật Bản đủ an toàn để trẻ em có thể tự đi học một mình. Tỉ lệ tội phạm ở đây cực kỳ thấp. Dân số Nhật gấp 5 lần dân số Australia nhưng số vụ giết người ở Australia cao gấp 4 lần ở Nhật. Hiếm khi có tin bài về bắt cóc trẻ em ở Nhật Bản. Trong 12 năm, tôi làm việc ở đất nước này mới chỉ có một vụ trẻ em bị sát hại", nhà báo Adelstein nói.
Nhằm làm rõ hơn điểm khác biệt trong cách giáo dục trẻ em ở Nhật, đoàn làm phim đến gặp một gia đình Australia. Như nhiều gia đình phương Tây khác, hàng ngày Emily Fraser, 10 tuổi, được bố lái xe đưa đến trường và đón từ trường về nhà.
Khi biết về cách sống của trẻ em Nhật Bản, cô bé Emily rất hào hứng và khẳng định mình sẵn sàng tự đi học được. Emily mong đợi lên cấp ba lúc đó cha mẹ sẽ để cô bé tự đến trường và giao riêng cho cô bé một chiếc chìa khóa nhà.
Theo ông Harold Scruby, một quan chức trong hội đồng chính phủ Australia bảo vệ người đi bộ, các gia đình Australia không dám để con nhỏ tự đến trường vì "xã hội này đang mắc chứng hoang tưởng về việc để trẻ con một mình".
Sau khi bộ phim được trình chiếu, nhiều người dùng mạng đã bình luận rằng trường hợp của cô bé Noe Ando không phổ biến ở Nhật Bản. Đương nhiên, phụ huynh nước này luôn cố gắng rèn cho con thói quen tự lập bằng cách để các em tự đi học nhưng học sinh tiểu học ở Nhật thường chỉ đi bộ một quãng đường ngắn từ nhà đến trường và đi theo nhóm dưới sự hướng dẫn của một em lớn hơn.
Tuy có nhiều ý kiến trái chiều, hầu hết các bình luận đều đồng ý rằng trẻ Nhật Bản bắt đầu tự lập sớm hơn hẳn so với trẻ em phương Tây.